Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2011

CEO người Nga: “Người Việt thực sự rất giỏi nhưng lại đến những nước phát triển hơn để sinh sống, làm việc"

"Đó cũng là chuyện từng xảy ra ở Nga 10-15 năm trước. Tôi mong một ngày, người tài VN sẽ nói: ‘Tôi tự hào khi làm việc ở VN’”. Đây chính là một lý do khiến CEO trang tìm kiếm iTim.vn quyết định tới VN.
Ông Victor Lavrenko - Nhà sáng lập kiêm CEO trang tìm kiếm iTim.vn
Thế mạnh của yếu tố “Việt Nam”
Chọn Việt Nam để đầu tư chứ không phải Singapore, hay Trung Quốc, lý do của ông là gì?
Thị trường ở Trung quốc và Singapore có quá nhiều đối thủ, hoặc đã bão hòa. Còn ở Việt Nam, khi chúng tôi đã xây dựng được một đội ngũ nhân sự giỏi cùng với chiến lược phát triển cụ thể thì Việt Nam thực sự là một thị trường đáng mơ ước.
Không chỉ thế, rất nhiều những người rất giỏi ở Nga như ngài Kostin - người sáng lập ra công cụ tìm kiếm đầu tiên ở Nga hay những người đã làm cho nhiều dự án lớn như Google, Yandex rất sẵn sàng về Việt Nam làm việc vì giá cả sinh hoạt rẻ hơn, vì chế độ đãi ngộ rất tốt của chúng tôi và vì sự tạo điều kiện của chính phủ Việt Nam: không cần làm visa nếu vào Việt Nam dưới 15 ngày, vé máy bay rất rẻ, nhiều cơ hội để đi du lịch khám phá văn hóa Việt Nam cũng như châu Á.
Thực ra, tôi đã biết về đất nước của các bạn từ rất lâu qua sách báo và đặc biệt là qua những sinh viên Việt Nam du học tại Nga. Nhiệt huyết của họ dành cho đất nước thực sự đã thuyết phục được tôi.
Lý do cá nhân thì cũng có. Tôi thực sự rất thích khám phá văn hóa châu Á. À, tôi rất thích ăn na. Ngày trước tôi thậm chí còn dùng dao để gọt vỏ na, rồi còn rửa lại với nước. Sau đó, thấy các bạn Việt ăn na, tôi cũng đã tìm ra cách ăn như người Việt rồi.
Điều gì khiến các ông cạnh tranh được với các công cụ tìm kiếm hiện có ở Việt Nam?
Thế mạnh của chúng tôi nằm chính ở yếu tố “Việt Nam” khi chúng tôi đi sâu vào phân tích và xử lý Tiếng Việt.
Chúng tôi hiểu tiếng Việt hơn những công cụ tìm kiếm khác. Ví dụ, nếu người dùng tìm “mua ca hoi o ha noi”, iTim sẽ hiểu “ca hoi” và “ha noi” là 2 từ có liên quan mật thiết trong nhu cầu tìm kiếm và sau đó, sẽ thêm dấu, và bắt đầu giúp người dùng tìm kiếm chỗ mua “cá hồi” ở “Hà Nội”. Nếu bạn thử tìm bằng các công cụ tìm kiếm khác, bạn sẽ thấy ngay là họ chia từ theo cách không đúng. Chúng tôi tự hào vì mình có một đội xử lý ngôn ngữ được đào tạo bài bản trong lĩnh vực này và đi chuyên sâu vào việc phân tích và xử lý tiếng Việt.
Thứ hai, chúng tôi có một đội chuyên gia rất giàu kinh nghiệm và người dẫn đường tuyệt vời. Ở Nga, công cụ tìm kiếm chiếm thị phần lớn nhất là Yandex với 60%, còn Google thì chỉ chiếm 20% mà thôi. Chúng tôi có những người đã từng là thanh viên chủ chốt của các công cụ tìm kiếm đó
Sắp tới, chúng tôi sẽ có tập dữ liệu vào khoảng 1 tỷ văn bản tiếng Việt trong khi công cụ tìm kiếm phổ biến nhất Việt Nam hiện giờ chỉ có tối đa khoảng 500 triệu văn bản tiếng Việt. Và chúng tôi sẽ có tính năng tìm kiếm theo địa phương/vùng miền. Có một số lượng đáng kể nhu cầu tìm kiếm có liên quan đến địa phương của người sử dụng. Ví dụ khi một người ở Hà Nội muốn mua một thứ gì đó thì anh ta sẽ chỉ muốn xem thông tin về các cửa hàng ở Hà Nội chứ không phải ở TPHCM. Hiện tại chưa có công cụ tìm kiếm nào ở Việt Nam cung cấp tính năng này.
Không nên chỉ đợi chính phủ

Mới thành thành người nhà của thị trường CNTT Việt Nam, ông đánh giá thế nào về thị trường này?

Thị trường Internet Việt Nam rất tiềm năng và có nhiều cơ hội để phát triển. Ở những nước khác như Nga, kể cả Trung Quốc, cơ hội phát triển ít hơn nhiều. Tuy nhiên, tôi nhận thấy có cũng không ít vấn đề vẫn còn tồn tại trong ngành công nghệ thông tin Việt Nam. Đối với tôi, đó là sự chảy máu chất xám. Người Việt thực sự rất giỏi nhưng họ lại đến những nước phát triển hơn sinh sống và làm việc.
Khoảng 10-15 năm trước, Nga cũng trải qua chuyện này khi nhiều người tài sang Mỹ hay các nước khác làm việc. Tuy nhiên hiện nay, nhiều người đã trở về hoặc chọn ở lại Nga vì họ đạt được sự phát triển tốt hơn trong nghề nghiệp. Ở Anh hay Mỹ chẳng hạn, những người nước ngoài dù giỏi thường cũng sẽ phải chịu sự cạnh tranh cao trong thị trường việc làm, đặc biệt là khi so sánh với người bản xứ. Vì vậy, họ rất khó để vươn lên những vị trí cao.
Do đó, nếu Việt Nam biết cách thu hút nhân tài không chỉ bằng lương mà bằng môi trường, chế độ đãi ngộ, chính sách phát triển thì một ngày nào đó, người tài Việt Nam sẽ nói: “Tôi tự hào khi làm việc ở Việt Nam”. Chúng tôi cũng đang cố gắng để làm được điều này trong tương lai không xa.
Ông nhận xét thế nào về những kỹ sư Việt Nam?

Họ đều là những người trẻ tài năng, say mê với công việc thực sự đầy thử thách này. Bên cạnh những phẩm chất của họ liên quan đến kiến thức và kinh nghiệm, các kỹ sư của chúng tôi cũng không phải là những người "mọt sách" chỉ biết đến màn hình máy vi tính. Họ khá cởi mở, năng động và thích giao lưu bạn bè. Chúng tôi còn có câu lạc bộ bóng đá, bơi lội và nhiều hoạt động tập thể hàng tháng. Vì thế, chúng tôi hiểu nhu cầu của mọi người tốt hơn.
Theo ông, phát triển Công nghệ thông tin quan trọng nhất là điều gì: con người, chính sách hay “mặt bằng công nghệ”?
Con người vẫn luôn là yếu tố trung tâm và quan trọng nhất. Tuy vậy, nếu một nguồn nhân lực tốt lại được làm việc trong một “mặt bằng công nghệ” cao hay chính sách hiệu quả sẵn có thì hẳn là một điều rất tuyệt vời.
Tôi nghĩ rằng tất cả các công ty Việt Nam không nên chỉ đợi chính phủ mà nên cùng góp sức giải quyết nạn chảy máu chất xám bằng cách tạo ra mội trường tốt thuyết phục được người tài ở lại VN bởi theo tôi, Việt Nam là một đất nước tuyệt vời.

Theo như nghiên cứu của Cimigo, mức độ thâm nhập Internet ở Việt Nam là tầm 31% vào cuối năm 2010 với 30 triệu người dùng internet. Việt Nam đang là nước có tốc độ phát triển internet nhanh nhất khu vực. Từ năm 2000 đến nay, lượng người Việt dùng Internet đã tăng lên gấp 120 lần. Trong khi đó, tổng doanh thu của quảng cáo online ở Việt Nam cũng tăng rất nhanh, tầm 80%. Đó là lí do vì sao chúng tôi thực sự nghĩ đây là thị trường vô cùng hấp dẫn cho giới đầu tư.





Theo Hạnh Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét