Tình hình kinh tế u ám khiến nhiều CEO tê liệt và hoảng sợ. Nhưng đối với những người như Steve Jobs hay Warren Buffett, liều lĩnh, mạo hiểm là yếu tố quan trọng để đạt được thành công.
Steve Jobs là một ví dụ điển hình cho việc thành công nhờ mạo hiểm. |
Steve Jobs là một nhà lãnh đạo cực kỳ dũng cảm. Hết
lần này đến lần khác, CEO của Apple đưa ra sản phẩm mới, dịch vụ mới và
cả những mô hình kinh doanh chưa từng bao giờ tồn tại. Ông coi thường
những cuộc thử nghiệm trên thị trường. Vì vậy, những sản phẩm của Apple
hoàn toàn được giữ bí mật. Jobs cũng không thể chắc chắn được là mình sẽ
thành công, nhưng ông vẫn liều lĩnh, dù biết rằng nếu thất bại, Apple
sẽ phải chịu những khoản lỗ khổng lồ và bản thân ông cũng sẽ trở thành
trò cười cho mọi người.
Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, các sản phẩm của
Apple là những thiết bị xuất sắc nhất và Jobs chính là người tạo ra của
cải vĩ đại nhất. Điều đó sẽ không thể xảy ra nếu Jobs không dám mạo
hiểm.
Chủ đề này đang trở nên nóng hổi hơn bao giờ hết khi
nền kinh tế đang ngày càng hỗn loạn. Nhiều CEO cảm thấy sợ hãi vì họ
liên tục phải chứng kiến những việc mà họ cho là không thể xảy ra. Việc
Mỹ bị hạ bậc tín nhiệm là một ví dụ. Và sự thiếu an toàn trong mọi hành
động cũng làm họ không dám nhúc nhích, làm việc gì cũng cảm thấy e sợ.
Thế nhưng không phải ngẫu nhiên mà tháng sau người ta
sẽ cho xuất bản cuốn: “Liều lĩnh: Biến nghi ngờ và sợ hãi thành nhiên
liệu cho sự phát tài”. Một nhà tư vấn có tên Bill Treasurer đã dùng
những kinh nghiệm thực tiễn của mình để dạy cho các doanh nhân lòng can
đảm. Vì trước đó, anh đã từng kiếm sống bằng nghề thợ lặn. Năm ngoái,
Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ cũng tổ chức hẳn một diễn đàn về sự can đảm.
Các bài báo và blog về vấn đề này cũng càng ngày càng được chú ý.
Chẳng có gì đảm bảo là tình hình kinh tế sẽ bớt rối
ren, vì thế, các nhà quản lý càng cần phải trở nên can đảm hơn, cụ thể
là qua những việc làm sau:
1. Duy trì các chi phí cần thiết
Khi có biến động xảy ra, cách phổ biến nhất mà các CEO
hay áp dụng chính là giảm chi phí càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, vấn
đề là những chi phí đó lại là các khoản đầu tư sẽ sinh lời trong tương
lai như R&D, marketing hay mở rộng cơ sở sản xuất. Cắt giảm chúng sẽ
đem lại nhiều lợi nhuận trong năm nay, nhưng sẽ giảm lợi nhuận trong
tương lai.
Những CEO nhút nhát thường phàn nàn rằng họ buộc phải
làm thế vì các nhà đầu tư có tầm nhìn ngắn hạn. Nhưng một cuộc nghiên
cứu được thực hiện bởi ông Baruch Lev của Đại học New York lại cho thấy
sự thực không phải như vậy. Các nhà đầu tư hoàn toàn có thể phân biệt
được đâu là những chi phí sinh lời, và đâu thì không.
Các CEO dũng cảm sẽ vẫn kiên trì với các khoản đầu tư
sinh lời kể cả trong lúc kinh tế yếu kém. Công ty DuPont vẫn tích cực đổ
tiền vào R&D trong giai đoạn đại suy thoái. Sáng tạo ra nylon,
neoprene và nhiều sản phẩm khác giúp họ kiếm được hàng tỉ USD trong suốt
hàng chục năm về sau. Khoản đầu tư gần đây nhất của Warren Buffett vào
Bank of America chính là một ví dụ điển hình cho sự mạo hiểm. Đặt 5 tỉ
USD vốn của Berkshire Hathaway vào loại cổ phiếu bị mọi người ghét bỏ
trong thời kỳ suy thoái là việc làm cần rất nhiều sự liều lĩnh. Và đó
chính là cái làm ông trở nên giàu có.
2. Không nên sa thải hàng loạt
Việc này có vẻ như không thể tránh khỏi trong tình
hình kinh tế hỗn loạn. Sa thải hàng loạt diễn ra khắp mọi nơi trong lần
suy thoái gần đây nhất, và giờ đây nó lại đang thịnh hành trở lại. HSBC
chuẩn bị sa thải 30.000 nhân viên, Bank of America cắt giảm từ 3.500 đến
10.000 người, UBS thì dự định cho 3.500 nhân viên nghỉ việc và 2.350
người cũng sắp sửa phải chia tay ABN Ambro.
Đôi lúc sa thải là cần thiết, tuy nhiên, các CEO dũng
cảm sẽ biết rằng chi phí về lâu dài cho việc này, đặc biệt là những
khoản ưu đãi trong dài hạn cho việc giữ chân nhân viên qua thời kỳ khó
khăn sẽ vượt xa bất kỳ khoản tiết kiệm nào có được từ việc sa thải ngày
hôm nay.
Một lần nữa, các CEO lại biện bạch rằng phố Wall buộc
họ phải làm vậy, và điều đó hoàn toàn sai. Các nhà đầu tư sẽ hài lòng
với việc sa thải bớt nhân viên nếu họ vừa mua lại một công ty khác.
Nhưng nếu mục đích của công ty đó chỉ là để cắt giảm chi phí, thì dĩ
nhiên họ sẽ bị cho là đang gặp rắc rối, và cổ phiếu của họ sẽ bị giảm
giá không thương tiếc.
3. Làm những việc lớn lao
Các nhà lãnh đạo nhút nhát thường không dám làm gì
trong thời kỳ suy thoái. Họ lo lắng rằng mỗi bước đi của mình đều là mạo
hiểm. Vì vậy, họ chọn giải pháp đứng yên. Nhưng việc đó không hề an
toàn chút nào. Trong lúc biến động, người thắng chỉ có thể là người dũng
cảm, và kẻ bại trận lại thường là những kẻ chỉ biết lo lắng đề phòng.
Bạn hoàn toàn có thể tiếp tục đầu tư vào các dự án
sinh lời, kể cả khi hiện tại đang chịu lỗ. Hoặc có khi chính thời kì khó
khăn lại giúp bạn nhận ra rằng công ty đang chi tiêu quá bừa bãi và đây
là cơ hội để bạn cải tổ lại toàn bộ công ty mình. Các nghiên cứu của
McKinsey cho thấy trong những cuộc suy thoái trước, các công ty làm theo
một trong hai cách trên đều là những công ty có kết quả tốt nhất. Và
những công ty chỉ chăm chăm cắt giảm để sống sót qua ngày là những công
ty tệ hại nhất. Bài học đặt ra là: Hãy quyết định xem doanh nghiệp bạn
cần làm gì bây giờ và thu hết can đảm để làm những việc lớn lao đó.
Aristotle đã gọi lòng dũng cảm là phẩm chất hàng đầu,
còn Samuel Johnson thì gọi nó là điều vĩ đại nhất. Lý luận của họ đều
giống nhau. Đó là dũng cảm làm cho người ta có được mọi đức tính khác.
Dũng cảm nghĩa là dám chấp nhận rủi ro, và điều đó sẽ trở nên khó khăn
hơn khi môi trường kinh doanh đang ngày càng khắc nghiệt. Đó cũng chính
là thời khắc tạo nên kẻ thắng và người thua.
Chấp nhận rủi ro dĩ nhiên là một việc đáng sợ. Nhưng
nhìn vào Jobs, Buffett hay các CEO dũng cảm khác, bạn sẽ nhận ra rằng đó
chính là cơ hội duy nhất của mình trong thời điểm hiện tại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét